Hội thảo “Xây dựng pha II Chương trình Thạc sỹ Lâm nghiệp Quốc tế cho Tiểu vùng Hạ lưu sông Mekong”

Được sự hỗ trợ của Cơ quan trao đổi Hàn lâm CHLB Đức (DAAD), trong 05 ngày (từ ngày 08/3 đến ngày 12/3/2018), Trường Đại học Lâm nghiệp đã chủ trì tổ chức Hội thảo “Xây dựng pha II Chương trình Thạc sỹ Lâm nghiệp Quốc tế cho Tiểu vùng Hạ lưu sông Mekong”.

Tham dự Hội thảo, về phía Trường Đại học Lâm nghiệp có: PGS.TS. Bùi Thế Đồi – Phó Hiệu trưởng – chủ trì Hội thảo; lãnh đạo, cán bộ, giảng viên các đơn vị: Phòng Hợp tác Quốc tế, Phòng Đào tạo Sau đại học, Khoa Lâm học; các giảng viên tham gia xây dựng và giảng dạy trong chương trình và học viên chương trình Thạc sỹ Lâm nghiệp Quốc tế khóa I và khóa II.

Về phía đại biểu các chuyên gia quốc tế: ông Michael Hoerig – Trưởng ban Lựa chọn và Quản lý các dự án thuộc lĩnh vực Phát triển bền vững, Cơ quan trao đổi Hàn lâm CHLB Đức (DAAD); ông Stefan Hase-Bergen – Giám đốc DAAD tại Việt Nam; TS. Dirk Hoffmann – Chuyên gia tổ chức GIZ, CHLB Đức; đại diện các Trường: Đại học Göttingen, Đại học kỹ thuật Dresden, CHLB Đức; Đại học Quốc gia Lào (NUoL); Đại học Nông nghiệp Hoàng gia Campuchia (RUA) và các chuyên gia, các nhà khoa học quan tâm.

Với sự hỗ trợ và hợp tác của Cơ quan trao đổi Hàn lâm CHLB Đức (DAAD) và hai trường đại học của Đức (ĐH Gottingen và ĐH Kỹ thuật Dresden), chương trình đào tạo Thạc sỹ lâm nghiệp quốc tế đã được triển khai giảng dạy tại ĐH Lâm nghiệp từ năm 2016. Khóa học giảng dạy bằng tiếng Anh bởi các giảng viên có kinh nghiệm là các Giáo sư, chuyên gia từ Đại học Gottinghen và Dresden (CHLB Đức), Mỹ, Úc, Nhật Bản, Đức, Canada,… và các giảng viên của Trường Đại học Lâm nghiệp. Khóa học không chỉ trang bị kiến ​​thức, kỹ năng về lâm nghiệp nhiệt đới, quản lý rừng bền vững mà còn xây dựng mạng lưới hợp tác trong đào tạo và nghiên cứu về lâm nghiệp nhiệt đới trong khu vực Hạ lưu Sông Mekong (Lower Mekong Region) và trên thế giới, nhằm xây dựng các giải pháp cho các vấn đề về suy thoái rừng, quản lý rừng hiện nay. Bên cạnh đó học viên thường xuyên được tham dự các hội thảo quốc tế, sinh hoạt học thuật do các chuyên gia quốc tế trình bày.

PGS.TS. Bùi Thế Đồi – Phó Hiệu trưởng Nhà trường phát biểu khai mạc Hội thảo

Phát biểu khai mạc Hội thảo, PGS.TS. Bùi Thế Đồi – Phó Hiệu trưởng Nhà trường gửi lời chào mừng các đại biểu tới tham dự Hội thảo. PGS cho biết: Sau hội thảo khởi động vào năm 2015, đến nay Chương trình Thạc sỹ Lâm nghiệp Quốc tế được triển khai giảng dạy tại Trường Đại học Lâm nghiệp đã có 2 khoá học, đánh giá chung chương trình đã đảm bảo đúng tiến trình, kiến thức, kĩ năng theo yêu cầu của thạc sỹ quốc tế chuẩn đã đề ra ban đầu. Qua đây Thầy Phó Hiệu trưởng mong muốn thông qua Hội thảo các chuyên gia, các giảng viên tích cực đóng góp ý kiến xây dựng pha II của dự án để dự án tiếp tục được triển khai và đạt hiệu quả cao.

Ông Stefan Hase-Bergen – Giám đốc DAAD tại Việt Nam phát biểu

Phát biểu tại Hội thảo, ông Stefan Hase-Bergen – Giám đốc DAAD tại Việt Nam đánh giá cao những kết quả đạt được của chương trình đào Thạc sỹ Lâm nghiệp Quốc tế đang được triển khai giảng dạy tại Trường Đại học Lâm nghiệp. Ông nhấn mạnh: Pha II của dự án sẽ được quyết định thực hiện bởi hội đồng chuyên gia cấp cao tại Đức và có tính cạnh tranh cao vì vậy hội thảo cần tập trung thảo luận phát triển nội dung chương trình và đưa ra những ý tưởng mới, sáng tạo cho đề án. Với những kết quả đã đạt được cũng như những tiềm năng phát triển của dự án, Giám đốc DAAD tin tưởng dự án sẽ tiếp tục phát triển trong thời gian tới.

Đại diện tổ chức GIZ, TS. Dirk Hoffmann hiện đang công tác tại Trường Đại học Lâm nghiệp đánh giá cao chương trình Nhà trường đang vận hành, đặc biệt là chất lượng đội ngũ giảng viên và sự năng động, nhiệt huyết của sinh viên. TS. Dirk Hoffmann mong muốn luôn được hợp tác với Nhà trường đào tạo và nghiên cứu khoa học, đặc biệt là phát triển các chương trình quốc tế.

Ông Michael Hoerig – Trưởng ban Lựa chọn và Quản lý các dự án thuộc lĩnh vực Phát triển bền vững, Cơ quan trao đổi Hàn lâm CHLB Đức (DAAD) phát biểu

Ông Michael Hoerig – Đại diện Cơ quan trao đổi Hàn lâm CHLB Đức đánh giá cao những ý tưởng mới của chương trình, đồng thời tin tưởng vào sự thành công của chương trình Thạc sỹ Lâm nghiệp Quốc tế hiện đang được triển khai tại Nhà trường.

Thảo luận và trao đổi chuyên môn

Lãnh đạo VNUF và DAAD thăm cơ sở vật chất phục vụ đào tạo chương trình Thạc sỹ Lâm nghiệp Quốc tế

Trong các ngày diễn ra Hội thảo, các đại biểu, chuyên gia tham dự đã tập trung thảo luận chuyên môn, nội dung, kế hoạch, cách quản lý và điều phối dự án. Trong nội dung chương trình Hội thảo, các đại biểu đã đi tham quan và làm việc thực tế tại Vườn Thực vật của Trường Đại học Lâm nghiệp, Vườn Quốc gia Tam Đảo.

Tổng kết Hội thảo, PGS.TS. Bùi Thế Đồi thay mặt lãnh đạo Nhà trường và Ban tổ chức Hội thảo gửi lời cảm ơn sự hỗ trợ, giúp đỡ của Cơ quan trao đổi Hàn lâm CHLB Đức (DAAD), đại diện các trường đối tác tham gia, các chuyên gia tham dự và góp ý cho Hội thảo. Hội thảo kết thúc thành công với những đề xuất và các bước thực hiện cụ thể trong xây dựng Pha II chương trình Thạc sỹ Lâm nghiệp Quốc tế, qua đây Phó Hiệu trưởng mong muốn trong thời gian tới sẽ tiếp tục nhận được sự quan tâm, tư vấn giúp đỡ của lãnh đạo DAAD, các trường tham gia dự án, các chuyên gia trong việc phát triển nghiên cứu đào tạo của Nhà trường nói chung và Chương trình Thạc sỹ Lâm nghiệp Quốc tế nói riêng.

Các đại biểu, chuyên gia chụp ảnh lưu niệm

Với thành công của Hội thảo và sự tham gia tích cực của các bên, tin tưởng rằng trong thời gian tới chương trình Thạc sỹ Lâm nghiệp Quốc tế sẽ tiếp tục được triển khai hiệu quả, góp phần vào đào tạo nguồn nhân lực có trình độ cao về lĩnh vực lâm nghiệp cho khu vực Đông Nam châu Á nói riêng và thế giới nói chung.