Bài toán đào tạo ngành lâm nghiệp trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0

“Kiến thức đào tạo không được nặng về khai thác, sử dụng rừng như trước đây, phải chuyển dần và rất nhanh sang quản lý bảo vệ và phát triển bền vững tài nguyên thiên nhiên giảm nhẹ thiên tai và ứng phó biến đổi khí hậu. Đây chính là định hướng chiến lược phát triển đào tạo ngành lâm nghiệp trong thời gian tới”

Ngày 21/7, trường ĐH Lâm Nghiệp Việt Nam phối hợp với Ủy ban Khoa học công nghệ và Môi trường của Quốc hội, Tổng Cục Lâm Nghiệp, Liên hiệp các Hội Khoa học Kỹ thuật Việt Nam đã tổ chức Hội thảo: “Cơ sở khoa học và thực tiễn của dự án Luật bảo vệ và phát triển rừng (sửa đổi)”.

Chuyển từ khai thác sang bảo vệ rừng

Phát biểu khai mạc Hội thảo, GS.TS. Trần Văn Chứ – Hiệu trưởng trường ĐH Lâm Nghiệp đã nhấn mạnh tầm quan trọng của Luật Bảo vệ và Phát triển rừng, phát triển Lâm nghiệp chung, cùng định hướng đào tạo nâng cao nguồn nhân lực phục vụ ngành lâm nghiệp trong môi trường hội nhập quốc tế hóa hiện nay.

Những nội dung của hội thảo được trao đổi tập trung vào các vấn đề như phân loại rừng; bảo vệ nguồn nước, sở hữu rừng và chuyển mục đích sử dụng rừng, những vấn đề về chủ rừng… Các ý kiến cần kế thừa những quy định còn phù hợp của Luật Bảo vệ và Phát triển rừng 2004, đưa vào Luật sửa đổi những quy định đã được kiểm nghiệm trong thực tiễn, bảo đảm tính liên tục, thống nhất và đồng bộ giữa quy định của Luật này với các Luật khác có liên quan.

“Thông qua hội thảo, tôi mong muốn các chuyên gia, các nhà khoa học tích cực đóng góp ý kiến, đề xuất nhằm xây dựng và hoàn thiện dự án Luật Bảo vệ và phát triển rừng (sửa đổi), góp phần phát triển và xây dựng ngành Lâm nghiêp rừng ngày càng bền vững” G.S Trần Văn Chứ hi vọng.

GS.TS. Trần Văn Chứ – Hiệu trưởng trường ĐH Lâm Nghiệp

Đồng quan điểm, TS. Phùng Đức Tiến, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội cho biết: “Sau 12 năm (2003 – 2014) thực hiện Luật Bảo vệ và Phát triển rừng đã tạo ra khuôn khổ pháp lý quan trọng điều chỉnh các quan hệ xã hội trong lĩnh vực bảo vệ và phát triển rừng, chuyển từ nền lâm nghiệp lấy quốc doanh là chủ yếu sang nền lâm nghiệp xã hội với nhiều thành phần kinh tế tham gia; từ chủ yếu dựa vào khai thác rừng tự nhiên sang bảo tồn, bảo vệ, nuôi dưỡng, làm giàu rừng và trồng rừng”.

Tuy nhiên, ông Tiến cho rằng, trong quá trình vận dụng vào thực tiễn, Luật Bảo vệ và Phát triển rừng còn tồn tại nhiều bất cập, bộc lộ những tồn tại, hạn chế, do vậy việc điều chỉnh, sửa đổi Luật Bảo vệ và Phát triển rừng là điều cần thiết.

Qua đây, TS. Phùng Đức Tiến đã đưa ra những định hướng cụ thể để các đại biểu tham dự Hội thảo thảo luận, góp ý nhằm hoàn thiện Luật Bảo vệ và Phát triển rừng (sửa đổi) sớm trình Ủy ban thường vụ Quốc hội trong kỳ họp tới.

“Xu hướng hiện nay trong cơ cấu ngành lâm nghiệp nói chung, đang chuyển dịch từ khai thác, sử dụng rừng sang trồng, bảo vệ và phát triển rừng. Đồng thời xây dựng môi trường, bảo vệ cảnh quan, nguồn gen… của rừng bền vững với công nghệ cao, sử dựng, khai thác rừng có kế hoạch hợp lí, hội nhập thương mại hóa quốc tế cho lĩnh vực lâm sản nói riêng là những vấn đề đang đặt ra trong toàn dân” – ông Tiến nhấn mạnh.

Cần phát triển lâm nghiệp kỹ thuật cao

Đi đôi với bảo vệ và phát triển rừng là đội ngũ cán bộ lâm nghiệp cần được đào tạo chuyên môn hóa ngày càng cao phù hợp với chuyển dịch cơ cấu ngành mà nhiều đại biểu quan tâm.

Ông Nguyễn Văn Tuấn – Phó Hiệu trưởng phụ trách đào tạo trường Đại học Lâm nghiệp cho biết: “Từ trước đến nay, lĩnh vực lâm nghiệp đều nằm trong tình trạng tương đối khó khăn, đời sống của người lao động trong ngành thấp hơn so với mặt bằng chung của xã hội. Bên cạnh đó, đây là ngành học tương đối khó khăn, gian khổ và không phải điểm nóng về lựa chọn nghề nghiệp nên cũng ít sinh viên định hướng theo học.

Tuy nhiên, do đều đến từ những vùng có điều kiện kinh tế tương đối khó khăn nên công tác đào tạo, học tập của cả thầy và trò đều gặp những hạn chế như: khả năng tiếp nhận kiến thức, kết quả học tập, trình độ ngoại ngữ, kĩ năng mềm… Do đó, việc chuyển đổi đào tạo kĩ thuật cao, công nghệ hiện đại từ trồng cho tới tiêu thụ thương mại lâm sản gặp nhiều hạn chế.

Theo ông Tuấn, định hướng trong tương lai nhà trường bắt đầu chuyển hướng sang định hướng quản lý bền vững, tài nguyên rừng dựa trên cơ sở phát triển bền vững.

“Trước đây, kiến thức đào tạo của nhà trường nặng về khai thác, sử dụng rừng thì hiện nay nhà trường đang chuyển dần sang quản lý bảo vệ và phát triển bền vững tài nguyên thiên nhiên giảm nhẹ thiên tai và ứng phó biến đổi khí hậu. Đây chính là định hướng chiến lược chính trong đào tạo tất cả các ngành học” – ông Tuấn cho hay.

Cùng bàn thêm về chất lượng đào tạo của ngành Lâm nghiệp, GS.TS Phạm Văn Điển – Phó hiệu trưởng trường Đại học Lâm nghiệp kiêm Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh Hà Giang cho rằng, dòng chảy của cuộc cách mạng 4.0 ngày càng mạnh mẽ, một nền lâm nghiệp kỹ thuật cao đang là mục tiêu phát triển mà nhiều quốc gia, trong đó có Việt Nam đang hướng tới. Chính vì vậy, chiếu theo đòi hỏi ngày càng cao trong tương lai thì rõ ràng chất lượng nguồn nhân lực đào tạo của trường phải không ngừng được nâng cao.

Để khắc phục những yếu điểm và trang bị đẩy đủ kiến thức cho sinh viên bắt kịp với yêu cầu của nhà tuyển dụng, GS Điển cho biết thêm, trường ĐH Lâm nghiệp đang tích cực thay đổi chiến lược đào tạo lấy chất lượng sinh viên làm thước đo và cũng là lợi ích của người học làm mục tiêu phấn đấu. Bên cạnh đó, nhà trường cũng chỉnh sửa, bổ sung chiến lược phát triển của mình để bắt kịp với dòng chảy của xã hội, phù hợp với yêu cầu của nhà tuyển dụng.

“Hiện tại trên 70% sinh viên đã tốt nghiệp của trường đều đáp ứng tốt các đòi hỏi của nhà tuyển dụng lao động” – GS Điển cho hay.

GS.TS Điển thông tin thêm, ĐH Lâm nghiệp cũng đang đẩy mạnh đào tạo về lâm nghiệp công nghệ cao cho sinh viên, từ khâu đầu vào đến đầu ra. Đồng thời, đẩy mạnh đào tạo thương mại lâm nghiệp trong nước và quốc tế, giúp sinh viên đủ tự tin khởi nghiệp, làm giàu từ những kiến thức mình học được.

Cùng nói về định hướng phát triển đào tạo nguồn nhân lực Lâm nghiệp nói chung, T.S Phạm Xuân Phương – Chuyên gia độc lập về Lâm Nghiệp cho rằng: “Định hướng phát triển Lâm nghiệp trong tương lai nên bắt đầu chuyển hướng sang quản lý bền vững tài nguyên rừng dựa trên cơ sở phát triển bền vững. Kiến thức đào tạo không được nặng về khai thác, sử dụng rừng như trước đây, phải chuyển dần sang quản lý bảo vệ và phát triển bền vững tài nguyên thiên nhiên giảm nhẹ thiên tai và ứng phó biến đổi khí hậu. Đây chính là định hướng chiến lược phát triển chung, không chỉ riêng gì đào tạo lâm nghiệp”.

Bài toán về đào tạo, phát triển nguồn nhân lực ngành lâm nghiệp còn nhiều khó khăn từ khâu học tập đến khâu sử dụng lao động của sinh viên sau khi ra trường; các nhà quản lí giáo dục cần định hướng đúng xu hướng hơn nữa trong thời gian tới.

Nguồn: Hà Cường – Dantri.com.vn