Giới thiệu chung

* Thành tựu Khoa học và Công nghệ Trong khoảng 5 năm gần đây, Trường Đại học Lâm nghiệp đã thực hiện tổng số 1110 nhiệm vụ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) các cấp. Trong đó, 19 nhiệm vụ cấp Quốc gia, 74 nhiệm vụ cấp Bộ (Bộ NN&PTNT), 12 nhiệm vụ cấp tỉnh/…

* Thành tựu Khoa học và Công nghệ

Trong khoảng 5 năm gần đây, Trường Đại học Lâm nghiệp đã thực hiện tổng số 1110 nhiệm vụ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) các cấp. Trong đó, 19 nhiệm vụ cấp Quốc gia, 74 nhiệm vụ cấp Bộ (Bộ NN&PTNT), 12 nhiệm vụ cấp tỉnh/ thành phố, 315 nhiệm vụ cấp cơ sở và 680 đề tài nghiên cứu khoa học sinh viên. Các kết quả nghiên cứu khoa học đã được công bố trên kỷ yếu của hội nghị/hội thảo khoa học và trên tạp chí trong và ngoài nước, cụ thể: Có 255 bài báo đăng trên các tạp chí quốc tế (chỉ tính riêng năm 2018 Nhà trường có 16 tác giả là cán bộ cơ hữu đứng tên chính/đầu trong tổng số 36 bài báo và 24 lần trích dẫn bài báo khoa học thuộc danh mục SCI và Scopus); có 760 bài báo đăng trên các tạp chí và 94 bài đăng trên kỷ yếu hội nghị hội thảo trong nước.

Đặc biệt trong năm 2017 và 2018 hoạt động Khoa học công nghệ của Nhà trường đã có nhiều bước tiến mới, mang tính bước ngoặt về số lượng cũng như chất lượng thực hiện các nhiệm vụ KHCN đồng thời gia tăng các hoạt động hợp tác với các địa phương trên cả nước.

– Năm 2017, Nhà trường triển khai 22 nhiệm vụ KH&CN các cấp (8 nhiệm vụ cấp Quốc gia, 6 tiêu chuẩn Quốc gia, 7 đề tài/dự án cấp Bộ, 01 nhiệm vụ cấp tỉnh); khai thông thành công 13 nhiệm vụ các cấp. Kết quả hầu hết được chuyển giao vào sản xuất. Phong trào nghiên cứu khoa học trong sinh viên phát triển mạnh mẽ.

– Năm 2018, Nhà trường triển khai thực hiện 30 nhiệm vụ KH&CN các cấp, trong đó có 8 nhiệm vụ cấp Quốc gia, 8 nhiệm vụ cấp Bộ, 03 nhiệm vụ cấp tỉnh/TP, 03 dự án thuộc chương trình Phát triển Lâm nghiệp bền vững, 08 hợp đồng tư vấn khoa học công nghệ với các cơ quan, địa phương và tiếp tục khai thông thành công nhiều nhiệm vụ KH&CN các cấp.

– Nhà trường đã tăng cường hợp tác với Tổng cục Lâm nghiệp, UBND tỉnh Bắc Giang, UBND tỉnh Quảng Trị, UBND tỉnh Nghệ An, Sở NN&PTNT tỉnh Thanh Hóa thông qua việc ký kết biên bản ghi nhớ giữa hai bên.

* Nguồn lực phát triển Khoa học và Công nghệ

Với 04 Khoa chuyên môn (Khoa QLTNR&MT, Khoa Cơ điện và Công trình, Khoa Lâm học, Khoa KT&QTKD), 04 Viện đào tạo và nghiên cứu (Viện Công nghệ sinh học Lâm nghiệp, Viện Công nghiệp Gỗ, Viện Kiến trúc cảnh quan và Nội thất và 01 Viện nghiên cứu (Viện Sinh thái Rừng và Môi trường) cùng tổng số 998 cán bộ viên chức, trong đó có  09 Giáo sư, 48 Phó giáo sư, 123 Tiến sĩ, 447 Thạc sĩ  và hệ thống cơ sở hạ tầng, phòng thí nghiệm, rừng thực nghiệm khá đồng bộ, kết hợp với các thành tựu to lớn đã đạt được về Khoa học và Công nghệ là điều kiện tối ưu để Nhà trường tập hợp và phát huy tối đa tiềm lực trí tuệ của đội ngũ trí thức khoa học nhằm đẩy mạnh hơn nữa các hoạt động nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ; tư vấn chính sách; tuyên truyền, phổ biến kiến thức khoa học và công nghệ trong lĩnh vực nông, lâm nghiệp, góp phân nâng cao giá trị gia tăng của ngành nông lâm nghiệp.

* Phương hướng Phát triển Khoa học và Công nghệ

Xây dựng và phát triển Trường Đại học Lâm nghiệp (ĐHLN) thành một trung tâm khoa học, chuyển giao, ứng dụng công nghệ cao trong lĩnh vực lâm nghiệp, tài nguyên và môi trường, chế biến lâm sản phòng chống và giảm nhẹ thiên tai góp phần vào sự bền vững kinh tế – xã hội của đất nước góp phân nâng cao giá trị gia tăng của ngành Lâm nghiệp phục vụ tái cơ cấu ngành. Trong đó tập trung:

(1) Phát triển nghiên cứu cơ bản trong lĩnh vực Lâm nghiệp phục vụ cho quá trình đào tạo và nâng cao năng lực cán bộ;

(2) Phát triển một số lĩnh vực khoa học công nghệ ưu tiên và là thế mạnh của Nhà trường, phù hợp với Đề án tái cơ cấu ngành Lâm nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững, giải quyết tốt những vấn đề trọng tâm của ngành: Quản lý tài nguyên rừng, Chế biến Lâm sản, Giống và Công nghệ sinh học, Lâm học, Kinh tế chính sách;

(3) Đẩy mạnh các hoạt động dịch vụ, tư vấn, chuyển giao kết quả nghiên cứu khoa học công nghệ vào thực tiễn sản xuất, tạo mối liên kết chặt chẽ giữa nghiên cứu – đào tạo – sản xuất; 

(4) Đẩy mạnh hợp tác nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ với các địa phương, Giải quyết các vấn đề khoa học công nghệ trong lĩnh vực lâm nghiệp và phát triển nông thôn của các địa phương.

* Lĩnh vực hoạt động Khoa học và Công nghệ ưu tiên

1. Lĩnh vực Quản lý tài nguyên rừng và môi trường

2. Lĩnh vực Công nghiệp rừng, Chế biến lâm sản

3. Lĩnh vực Lâm sinh

4. Giống và Công nghệ sinh học

5. Lĩnh vực Kiến trúc cảnh quan và Nội thất

6. Lĩnh vực Kinh tế, Chính sách Lâm nghiệp