Kỷ niệm 72 năm Ngày thành lập Quân đội Nhân dân Việt Nam (22/12/1944 – 22/12/2016) và 27 năm Ngày Hội quốc phòng toàn dân (22/12/1989 – 22/12/2016)

Quân đội nhân dân Việt Nam do Đảng Cộng sản Việt Nam và Chủ tịch Hồ Chí Minh trực tiếp tổ chức, lãnh đạo, giáo dục và rèn luyện; được Nhà nước tập trung xây dựng, được nhân dân nuôi dưỡng; sát cánh cùng chiến đấu hy sinh vì độc lập tự do của Tổ quốc, vì chủ nghĩa xã hội.

Cách đây 72 năm, ngày 22/12/1944, tại khu rừng Trần Hưng Đạo, huyện Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng, Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân – tổ chức tiền thân của Quân đội Nhân dân Việt Nam được thành lập. Sự ra đời của Quân đội ta là một sự kiện lịch sử trọng đại của cách mạng Việt Nam. Lần đầu tiên trong lịch sử, giai cấp công nhân và nhân dân Việt Nam có một Quân đội kiểu mới do Đảng Cộng sản Việt Nam và Chủ tịch Hồ Chí Minh tổ chức, giáo dục, rèn luyện và lãnh đạo; một Quân đội mang bản chất giai cấp công nhân, từ nhân dân mà ra, vì nhân dân mà chiến đấu, anh hùng, dũng cảm, sẵn sàng hi sinh vì độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, vì tự do, hạnh phúc của nhân dân.

Dưới sự lãnh đạo của Đảng, kế thừa truyền thống đấu tranh anh dũng, kiên cường, bất khuất của dân tộc, ngay từ ngày đầu thành lập với 34 chiến sĩ, được trang bị “gậy tầm vông, súng kíp, súng trường,…”, Quân đội ta đã mưu trí, dũng cảm chiến đấu, lập nên chiến công tiêu diệt các đồn Phay Khắt, Nà Ngần của giặc Pháp, để rồi ngày càng phát triển, lớn mạnh nhanh chóng, cùng toàn dân tiến hành thành công cuộc khởi nghĩa tháng Tám năm 1945, giành chính quyền về tay nhân dân, lập nên Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa – Nhà nước công nông đầu tiên ở Đông Nam châu Á.

Bước vào cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, trường kỳ, gian khổ với tinh thần “Quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh”, Quân đội ta đã cùng nhân dân cả nước chiến đấu giành nhiều thắng lợi vang dội, mà đỉnh cao là chiến thắng Điện Biên Phủ “Lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”.

Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, phát huy sức mạnh tổng hợp, kết hợp sức mạnh của dân tộc với sức mạnh của thời đại, Quân đội ta đã vượt qua muôn vàn khó khăn, gian khổ hi sinh, lập nên nhiều chiến công nối tiếp chiến công, giành từ thắng lợi này đến thắng lợi khác, làm nên đại thắng mùa Xuân năm 1975 lịch sử, mà đỉnh cao là chiến dịch Hồ Chí Minh, hoàn thành sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước; ngay sau đó tiếp tục chống lại quân xâm lược ở cả hai đầu biên giới phía Bắc và phía Tây Nam của đất nước, bảo vệ vững chắc độc lập dân tộc và toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc thân yêu và làm tròn nhiệm vụ Quốc tế.

Bước vào thời kỳ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, Quân đội ta luôn hoàn thành thắng lợi mọi nhiệm vụ mà Đảng, Nhà nước giao cho; không ngừng xây dựng Quân đội vững mạnh về chính trị, chính quy, tinh nhuệ và từng bước hiện đại; rèn luyện kỷ luật, khả năng sẵn sàng chiến đấu, không để bị động, bất ngờ trước mọi tình huống trong quá trình xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa; bảo vệ hòa bình, ổn định, phát triển trong khu vực và trên thế giới, xứng đáng với tên gọi “Quân Đội nhân dân Việt Nam” anh hùng.

Từ vai trò, vị trí đã được khẳng định của chiến tranh nhân dân, toàn dân, toàn diện qua các cuộc kháng chiến dưới sự lãnh đạo của Đảng, thể theo nguyện vọng của nhân dân cả nước, ngày 17 tháng 10 năm 1989, Ban Bí thư Trung ương Đảng (khóa VI) đã ra Chỉ thị số 381- CT/TW, quyết định lấy ngày thành lập Quân đội Nhân dân Việt Nam (22/12) đồng thời là Ngày Hội quốc phòng toàn dân. Từ đây, ngày 22 tháng 12 thực sự trở thành ngày hội truyền thống bảo vệ Tổ quốc, ngày hội tôn vinh và nhân lên hình ảnh cao đẹp “Bộ đội Cụ Hồ” – một nét độc đáo của văn hóa dân tộc Việt Nam trong thời đại mới. Đây cũng là dịp để phát huy truyền thống yêu nước, biểu dương sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc và quyết tâm của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa trong thời kỳ mới. Xây dựng nền quốc phòng toàn dân là nhân tố cốt lõi, nền tảng để đất nước ta tăng cường sức mạnh quốc phòng, bảo vệ Tổ quốc. Đó chính là sức mạnh, sự hội tụ của truyền thống đấu tranh dựng nước và giữ nước qua hàng ngàn năm lịch sử của dân tộc ta cũng là tư tưởng chỉ đạo nhất quán, xuyên suốt của Đảng đối với cách mạng Việt Nam, được Nghị quyết Trung ương 8 (khóa XI) tiếp tục quán triệt, coi đó là một trong những nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu để thực hiện thắng lợi “Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới”.

Tự hào về những chiến công vĩ đại và truyền thống vẻ vang của Quân đội nhân dân Việt Nam, trải qua 72 năm xây dựng, chiến đấu và trưởng thành, có thể khẳng định Quân đội nhân dân Việt Nam là một quân đội anh hùng của một dân tộc anh hùng, xứng đáng với lời khen ngợi của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Quân đội ta trung với Đảng, hiếu với dân, sẵn sàng chiến đấu hi sinh vì độc lập tự do của Tổ quốc, vì chủ nghĩa xã hội. Nhiệm vụ nào cũng hoàn thành, khó khăn nào cũng vượt qua, kẻ thù nào cũng đánh thắng”.

Kỷ niệm 72 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam cũng là dịp để toàn Đảng, toàn quân, toàn dân ta bày tỏ lòng kính yêu và biết ơn vô hạn, thành kính tưởng nhớ Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại, Người sáng lập và rèn luyện Quân đội ta đấu tranh giành độc lập dân tộc, thống nhất non sông đất nước; tưởng nhớ các vị Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Đại tướng Nguyễn Chí Thanh, Đại tướng Hoàng Văn Thái, Đại tướng Văn Tiến Dũng, Đại tướng Lê Trọng Tấn và nhiều tấm gương chói lọi của chủ nghĩa anh hùng cách mạng “Cảm tử cho Tổ quốc quyết sinh” đã làm rạng rỡ thêm truyền thống vẻ vang của Quân đội nhân dân Việt Nam; đồng thời bày tỏ lòng kính trọng và tri ân sâu sắc đến các anh hùng liệt sĩ, bà mẹ Việt Nam anh hùng; thương binh, bệnh binh, cựu chiến binh, thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến, giao bưu, thông tin, đồng bào, đồng chí đã anh dũng chiến đấu, hi sinh, hiến trọn đời mình cho lý tưởng cách mạng của Đảng và của dân tộc đem lại nền hòa bình, độc lập, tự do cho Tổ quốc ngày nay.

Trường Đại học Lâm nghiệp thành lập ngày 19/8/1964, trong bối cảnh cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước đang bước vào giai đoạn ác liệt. Ngay sau khi được thành lập, cùng với việc thực hiện nhiệm vụ đào tạo cán bộ cho ngành Lâm nghiệp của cả nước, nhà trường đã thành lập Trung đoàn tự vệ tại Chiến khu Đông Triều, tỉnh Quảng Ninh và thường xuyên huấn luyện, trực chiến bắn máy bay địch, sẵn sàng chiến đấu, sẵn sàng lên đường nhập ngũ. Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước và bảo vệ biên giới phía Bắc, nhà trường tiễn đưa trên 300 cán bộ viên chức và sinh viên đã “gác bút nghiên” hăng hái lên đường nhập ngũ. Tiêu biểu là khoá 14 đã nhập ngũ hai đợt với trên 140 người, khoá 15 nhập ngũ một đợt 35 người cùng nhiều cán bộ, sinh viên khóa 16 và tương đương. Có đồng chí đã viết đơn tình nguyện bằng máu của mình, nhiều đồng chí đã lập công xuất sắc và được tặng danh hiệu dũng sĩ diệt Mỹ, được tặng thưởng nhiều Huân, Huy chương các loại; một số đồng chí đã trưởng thành và giữ các chức vụ quan trọng trong quân đội; còn đại đa số các đồng chí sau khi cuộc kháng chiến kết thúc đã trở về trường học tập và công tác thực hiện nhiệm vụ mới, luôn giữ vững phẩm chất cao đẹp của anh bộ đội Cụ Hồ, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ của những người thầy giáo, cô giáo, nhân viên, truyền thụ những kiến thức chuyên môn, công tác phục vụ, đóng góp cho sự phát triển chung của nhà trường là đào tạo và phát triển nguồn nhân lực có trình độ cao, góp phần xứng đáng vào sự nghiệp CNH, HĐH nông nghiệp, nông thôn cũng như công cuộc xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.

Tác giả: Nguyễn Sỹ Hà – Trưởng phòng Chính trị & Công tác sinh viên