Các hiệu trưởng nói gì về nâng cao chất lượng giáo dục đại học?

Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ cho rằng, để nâng cao chất lượng giáo dục đại học quan trọng nhất là hiệu trưởng, họ có quyết tâm nâng cao chất lượng và uy tín của trường lên không. Vậy các hiệu trưởng đại học suy nghĩ như thế nào về nâng cao chất lượng giáo dục đại học? trường đó đã thực hiện ra sao?

Tại hội thảo: “Giải pháp nâng cao chất lượng và uy tín quốc tế của các trường đại học Việt Nam”, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ cho biết, số lượng trường đại học Việt Nam hiện nay so với 90 triệu dân không phải là nhiều bên cạnh những trường hoạt động tốt thì còn nhiều trường hoạt động rất kém chất lượng.

Theo Bộ trưởng Nhạ, để nâng cao chất lượng giáo dục đại học quan trọng nhất là hiệu trưởng có quyết tâm nâng cao chất lượng và uy tín của trường lên không. Bởi vì đào tạo và nghiên cứu phải như 2 chân nhưng các trường hiện nay đang đi lệch, chạy theo mảng đào tạo nhiều, không tập trung nghiên cứu để nâng cao chất lượng.

Vậy, ý kiến của các hiệu trưởng như thế nào về nâng cao chất lượng đại học?

PGS.TS Đào Văn Đông

PGS.TS Đào Văn Đông, Hiệu trưởng trường ĐH Công nghệ Giao thông vận tải: 5 yếu tố ảnh hưởng đến chất lượng đào tạo

Đào tạo nguồn nhân lực trình độ đại học có chất lượng cao là nhiệm vụ có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với mỗi quốc gia. Để chất lượng đào tạo có chất lượng cao phụ thuộc vào nhiều yếu tố và đồng thời cũng là quá trình lâu dài. Có thể coi 5 yếu tố sau đây có ý nghĩa quan trọng, ảnh hưởng đến chất lượng đào tạo, gồm:

Thứ nhất, Chương trình đào tạo: Yếu tố này có thể được coi là “bản thiết kế” để triển khai quá trình đào tạo đạt chất lượng. Chương trình đào tạo có cơ bản, có nền tảng, có đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp và xã hội, có tính hội nhập, và người học có khả năng tiếp thu được thì khi đó mới có được chất lượng đào tạo tốt.

Thứ hai, Đội ngũ giảng viên và cán bộ quản lý: trong đó quan trọng nhất là đội ngũ giảng viên phải có trình độ cao, có kinh nghiệm giỏi, tâm huyết với nghề, và có khả năng hội nhập quốc tế tốt. Họ không chỉ đóng vai trò truyền tải kiến thức, kinh nghiệm mà còn có vai trò hướng dẫn phương pháp học, nghiên cứu, khuyến khích sáng tạo cũng như hoàn thiện các kỹ năng cần thiết khác cho sinh viên, học viên.

Thứ ba, Cơ sở vật chất phục vụ dạy và học như giáo trình, tài liệu, cơ sở dữ liệu, phòng học, phòng thí nghiệm, xưởng thực hành … Đây có thể coi là công cụ quan trọng vừa để giảng viên triển khai hiệu quả chương trình đào tạo, vừa để người học có thể học, tự học, thực hành và sáng tạo tốt.

Thứ tư, Sự vào cuộc của toàn xã hội: Một mặt, cần có sự đầu tư, quan tâm mạnh mẽ của Nhà nước, của doanh nghiệp và của phụ huynh để nâng cao suất đầu tư tài chính cho công tác đào tạo và tạo môi trường đào tạo thuận lợi. Có thể nói nếu suất đầu tư tài chính thấp thì khó có thể có được chất lượng đào tạo cao được. Mặt khác, bản thân doanh nghiệp, người sử dụng lao động cũng nên tham gia vào quá trình đào tạo như tạo địa bàn thực tập, thực hành, góp ý đổi mới chương trình đào tạo, tham gia thỉnh giảng cùng với các nhà trường…. yếu tố thứ tư bày cũng bao gồm cả sự công khai chất lượng đào tạo của nhà trường để xã hội biết, giám sát và hỗ trợ.

Thứ năm, năng lực và nỗ lực của người học: Nếu bốn yếu tố trên được coi là vế thứ nhất thì năng lực và nỗ lực của sinh viên, học viên chính là về thứ hai của quá trình đào tạo có chất lượng cao. Người học không chỉ cần có năng lực để tiếp thu kiến thức mà họ còn cần phải chăm chỉ học tập, mạnh dạn nghiên cứu, sáng tạo, có trách nhiệm với bản thân, gia đình và xã hội, tự hoàn thiện bản thân thông qua các kỹ năng cần thiết.

Xác định được những yếu tố quan trọng trên, Trường Đại học Công nghệ Giao thông vận tải luôn chú trọng làm tốt các yếu tố để tiếp tục nâng cao chất lượng đào tạo của Nhà trường.

Hiện có trên 100 đơn vị, doanh nghiệp, cả trong nước và quốc tế, là đối tác của Nhà trường. Mạng lưới các đơn vị, doanh nghiệp này đã và đang hỗ trợ tích cực Nhà trường trong việc đổi mới chương trình đào tạo, tạo địa bàn thực hành, thực tập cho sinh viên, kể cả thực tập có hưởng lương, cấp học bổng và tiếp nhận sinh viên sau khi tốt nghiệp, cử chuyên gia thỉnh giảng…

Nhờ đó, kỹ năng nghề nghiệp của sinh viên tốt nghiệp luôn được doanh nghiệp và xã hội đánh giá cao và tỷ lệ sinh viên tốt nghiệp có việc làm luôn đạt từ 90 đến 95%. Là một trong số những trường đầu tiên của cả nước kiểm định và đạt kiểm định chất lượng đại học, Nhà trường đã và tiếp tục công khai các điều kiện đảm bảo chất lượng để xã hội và người học giám sát, góp ý, hỗ trợ.

GS.TS. Trần Văn Chứ

GS.TS. Trần Văn Chứ, Trường Đại học Lâm nghiệp: “Chất lượng đội ngũ giảng viên và cơ sở vật chất là yếu tố quan trọng quyết định chất lượng đại học”

Nâng cao chất lượng giáo dục đại học luôn là mục tiêu trọng tâm, xuyên suốt của bất kỳ của một trường đại học nào, dù là trường mới thành lập hay là trường đã có truyền thống lâu năm. Chất lượng giáo dục đại học được nâng cao sẽ đào tạo ra những kỹ sư, cử nhân có đầy đủ kiến thức, kỹ năng và thái độ đáp ứng nhu cầu liên tục phát triển của xã hội. Từ đó, sẽ góp phần nâng cao thương hiệu của nhà trường, thu hút nguồn tuyển sinh có chất lượng cao và các nguồn lực đầu tư cho phát triển của nhà trường.

Có nhiều yếu tố tác động đến nâng cao chất lượng giáo dục đại học, tại mỗi giai đoạn phát triển và hoàn cảnh thực tế khác nhau của mỗi trường đại học, mà các yếu tố này có thể có thể không đồng nhất. Tuy nhiên, có 2 yếu tố được xem là quan trọng nhất mà các trường đại học luôn chú trọng đầu tư là: chất lượng đội ngũ giảng viên và cơ sở vật chất phục vụ đào tạo và nghiên cứu.

Người giảng viên giỏi, có trình độ chuyên môn tốt, phương pháp giảng dạy sinh động, có tư chất tốt, nhiệt huyết, yêu nghề sẽ có những bài giảng hấp dẫn đối với sinh viên, truyền thụ cho sinh viên có khả năng tư duy độc lập trong học tập, nghiên cứu, luôn tìm tòi và khám phá những vẫn đề mới.

Cơ sở vật chất phục vụ đào tạo và nghiên cứu bao hàm khá nhiều vấn đề liên quan trực tiếp đến nâng cao chất lượng đào tạo như: trang thiết bị thực hành thí nghiệm, máy móc và hiện trường phục vụ nghiên cứu, thư viện, hạ tầng công nghệ thông tin, phòng học và trang thiết bị hỗ trợ giảng dạy… đây là những yếu tố luôn cần được, đầu tư nâng cấp đổi mới.

Để đào tạo ra một kỹ sư, cử nhân vừa có kiến thức và vừa có kỹ năng thì “học phải đôi với hành”, sinh viên phải được thực hành và nghiên cứu trong các phòng thí nghiệm có trang thiết bị hiện đại, phòng lab chuẩn và thực tế hiện trường. Sinh viên được sử dụng thư viện hiện đại, có không gian phù hợp, nguồn tài liệu tham khảo phong phú, bao gồm cả khả năng kết nối với các nguồn học liệu mở, có uy tín trên thế giới. Hạ tầng công nghệ thông tin hiện đại sẽ hỗ trợ sinh viên tối đa trong học tập, nghiên cứu, đặc biệt trong giai đoạn chuyển đổi đào tạo đại học bắt kịp theo cuộc cách mạng công nghiệp 4.0.

Trường Đại học Lâm nghiệp luôn không ngừng thực hiện mục tiêu nâng cao chất lượng đào tạo, đây luôn là mục tiêu trọng tâm nằm trong các nghị quyết của Đại hội đảng bộ trường, hội nghị cán bộ viên chức hằng năm, cũng như các chỉ tiêu định lượng để thực hiện mục tiêu trong các quyết nghị của Hội đồng trường. Các giải pháp được thực hiện cũng không nằm ngoài các yếu tố được nêu trên.

GS.TS Đinh Văn Sơn

GS.TS Đinh Văn Sơn, Hiệu trưởng trường ĐH Thương Mại: “Cân đối vai trò quản lý Nhà nước hài hoà với tính tự quyết, sáng tạo của các trường…”

Để nâng cao chất lượng đào tạo đại học thì không có yếu tố nào là quan trọng nhất, không có yếu tố thứ yếu. Mỗi yếu tố đều giữ một hoặc một số vai trò nhất định, ảnh hưởng trực tiếp hoặc gián tiếp tới chất lượng đào tạo.

Qua thực tiễn cho thấy, chất lượng đào tạo (đầu ra) phụ thuộc vào 3 yếu tố: chất lượng sinh viên (đầu vào), tổ chức quá trình đào tạo và vai trò quản lý của Nhà nước đối với hoạt động đào tạo cũng như hoạt động sản xuất, chất lượng sản phẩm trước hết ảnh hưởng bởi chất lượng nguyên liệu (đầu vào).

Chất lượng sinh viên là tố chất, năng lực học tập, khả năng tư duy, sức sáng tạo của sinh viên … sẽ bị chi phối rất nhiều bởi công tác tuyển sinh của các trường.

Tổ chức quá trình đào tạo của các trường được hàm ý bao gồm: Chất lượng cơ sở vật chất đầu tư cho đào tạo và quản lý đào tạo, chất lượng đội ngũ giảng viên, chương trình đào tạo, quản lý và phân cấp quản lý trong đào tạo, cơ chế khuyến khích và hỗ trợ sinh viên trong quá trình đào tạo,… Cùng với đó không thể thiếu yếu tố thứ ba là vai trò quản lý của Nhà nước đối với hoạt động đào tạo.

Về vấn đề này tôi muốn đề cập đến khía cạnh là nội dung quản lý Nhà nước chỉ dừng lại ở những nội dung gì, mức độ can thiệp cần thiết của Nhà nước, quyền tự chủ gắn với tự chịu trách nhiệm của các trường được xác định theo cân đối nào để đảm bảo vai trò quản lý Nhà nước hài hoà với tính tự quyết, sáng tạo của các trường…

Trong thời gian qua, nhất là kể từ khi trường ĐH Thương Mại thực hiện đề án thí điểm “Tự chủ tự chịu trách nhiệm”, đã từng bước triển khai đồng bộ các giải pháp để nâng cao chất lượng đào tạo.

Dưới sự chỉ đạo, hướng dẫn và hỗ trợ của bộ GD&ĐT, Nhà trường đã và đang nỗ lực đầu tư nâng cấp, phát triển cơ sở vật chất cho đào tạo. Tiến hành rà soát và hoàn thiện các chương trình đào tạo theo hướng quốc tế hoá. Nhà trường đã và đang tiến hành rà soát và thực hiện chuẩn hoá đội ngũ giảng viên và chuyên viên quản lý, khuyến khích vật chất cho các giảng viên có thành tích trong hoạt động nghiên cứu khoa học nhất là đối với các công bố quốc tế.

Nhà trường xây dựng một chính sách học phí, phù hợp với điều kiện kinh tế của đất nước. Đặc biệt là chính sách học bổng và hỗ trợ sinh viên. Năm 2018 nhà trường dự kiến chi cấp học bổng và các hỗ trợ sinh viên lên tới 22 tỷ đồng, trong đó, xét cấp học bổng cho các sinh viên trúng tuyển vào trường Đại học Thương mại với mức điểm trúng tuyển cao là 4,5 tỷ đồng, với mục đích thu hút các thí sinh có năng lực học tập tốt vào trường.

Giám đốc ĐH QGHN Nguyễn Kim Sơn: Áp dụng triệt để cơ chế quản trị đại học tiên tiến!

Để hiện thực hóa mục tiêu: “Đến năm 2020, ĐHQGHN đạt các tiêu chí cơ bản của đại học nghiên cứu”, ĐH QGHN thực hiện quyết tâm việc áp dụng triệt để cơ chế quản trị đại học tiên tiến, tạo dựng một môi trường làm việc thực sự thân thiện, thông thoáng, cơ chế thuận lợi, kết nối chặt chẽ với các Bộ, ngành, các đối tác trong và ngoài nước để tạo điều kiện cho các nhà khoa học phát huy hết niềm đam mê, sự sáng tạo và khát khao khoa học, cống hiến hết mình cho cộng đồng, cho đất nước, làm điểm tựa để ĐHQGHN cất cánh vươn lên tầm quốc tế.

Mỗi giảng viên của ĐHQGHN phải vừa là giảng viên, đồng thời phải là một nhà khoa học, vừa tích cực đổi mới phương pháp giảng dạy theo hướng tích cực, hiện đại, gắn đào tạo với nghiên cứu khoa học, chú trọng phát triển kỹ năng và xây dựng thái độ làm việc tích cực cho người học, vừa phải chủ động nghiên cứu khoa học, tích cực công bố quốc tế, lại vừa có khát vọng làm những việc có tầm vóc to lớn, đem tri thức chuyển giao giải quyết các vấn đề kinh tế – xã hội, nhu cầu cuộc sống hàng ngày của đất nước.

Nguồn: dantri.com.vn – Hồng Hạnh