Kỹ sư lâm nghiệp: Tuyển hơn 1 năm không tìm được người

Các doanh nghiệp có nhu cầu tuyển dụng cử nhân các ngành công nghiệp chế biến gỗ và thiết kế nội thất đến tận trường tìm người nhưng hơn 1 năm vẫn không tuyển được nhân sự mình cần.

Có mặt tại “Ngày hội việc làm” do Trường ĐH Lâm nghiệp tổ chức, bàn tuyển dụng của Công ty Gỗ ván ép Hoài Nam suốt cả buổi sáng vẫn chưa thấy có sinh viên tới tìm hiểu thông tin. 

Bà Phan Thị Thu Hoài, phụ trách nhân sự của công ty cho biết, công ty bà đang có nhu cầu tuyển dụng 2 nhân viên kỹ thuật với yêu cầu là cử nhân tốt nghiệp ngành công nghiệp chế biến gỗ. Mức lương khởi điểm được đưa ra là từ 7-10 triệu đồng/tháng. 

Tuy nhiên, trong hơn 1 năm qua, công ty này vẫn chưa tìm được người. Số lượng hồ sơ gửi tới công ty gần như không có hoặc nếu có thì không phải là người tốt nghiệp đúng chuyên ngành công ty mong muốn. 

Vì vậy, khi biết thông tin Trường ĐH Lâm nghiệp tổ chức Ngày hội việc làm, bà Hoài đã đăng ký với nhà trường với mong muốn tuyển dụng được nhân sự cho các vị trí mà mình cần. 

Trường ĐH Lâm nghiệp cũng cung cấp cho công ty bà Hoài danh sách 58 sinh viên sẽ tốt nghiệp ngành công nghiệp chế biến gỗ. Tuy nhiên, suốt buổi sáng, công ty bà Hoài vẫn không nhận được hồ sơ nào.

Sinh viên tham gia ngày hội việc làm do trường tổ chức để tìm kiếm cơ hội việc làm. Ảnh: Lê Văn.

Trong khi đó, Công ty Gỗ Việt tìm tới Ngày hội việc làm để tuyển 10 vị trí nhân sự ngành thiết kế nội thất cũng gặp tình trạng tương tự. 

Đại diện công ty này cho biết, mức lương công ty đưa ra cho vị trí nhân sự đang cần tuyển là 7-10 triệu, mức lương không thấp với cử nhân mới ra trường, tuy nhiên, các em liên tục nhảy việc khiến công ty luôn phải tìm người mới bổ sung.

Ông Lê Ngọc Hoàn, Trưởng Ban xúc tiến tuyển sinh và việc làm, Trường ĐH Lâm Nghiệp cho biết, ngành công nghệ chế biến gỗ và thiết kế nội thất là 2 trong số những ngành “hot” nhất đang được đào tạo tại trường. 

90% sinh viên ra trường thuộc 2 ngành này đều có việc ngay từ những tháng đầu tiên” – ông Hoàn thông tin. “Vì vậy, số lượng sinh viên tốt nghiệp ngành này từ Trường ĐH Lâm nghiệp gần như không đáp ứng được nhu cầu đang rất lớn của cầu của các nhà tuyển dụng“. 

Trường đóng ngành đào tạo nếu sinh viên khó tìm việc làm 

Trao đổi với VietNamNet, ông Nguyễn Văn Tuấn – Phó Hiệu trưởng trường Đại học Lâm nghiệp Hà Nội cho biết, bên cạnh những ngành có tỉ lệ tìm được việc làm cao, hiện cũng có những ngành sinh viên ra trường khó tìm được việc như ngành khoa học môi trường hay ngành công nghệ sinh học. 

Vì vậy, gần đây, Trường ĐH Lâm nghiệp đã xác định lại chiến lược phát triển. Đối với những ngành ngành tuyển sinh kém, tỷ lệ sinh viên ra trường có việc làm thấp thì nhà trường đã loại ra khỏi chương trình đào tạo và chấp nhận đào tạo lại giảng viên trong thời gian 1 năm để sang dạy ngành xã hội đang có nhu cầu. 

Theo ông Tuấn, trong thời gian 1 năm, giảng viên được học 7-8 mô đun tương đương 20 tín chỉ do giảng viên của một trường có kinh nghiệm chuyên về lĩnh vực này giảng dạy. 

Sau đó, từng giảng viên được phân công môn học nào thì được cử về trường đó tham gia giảng dạy trong 1 học kỳ dưới góc độ giảng viên tập sự. Hoàn thành khóa đào tạo, giảng viên về viết bài giảng để chuẩn bị bài dạy tại nhà trường. 

Đồng thời, nhận thấy nhiều ngành dù không phải thế mạnh của trường nhưng khả năng sinh viên tốt nghiệp có việc làm cao nên Nhà trường đã mở để đào tạo, ví như ngành: chăn nuôi, thú ý, công tác xã hội, quản trị kinh doanh du lịch và lữ hành…

Bên cạnh việc thay đổi chương trình và ngành đào tạo, Trường ĐH Lâm nghiệp cũng tăng cường việc gắn kết với doanh nghiệp để tăng cơ hội tìm việc làm cho sinh viên.

Từ năm 2016 lãnh đạo Nhà trường quyết định tổ chức “Ngày hội việc làm” cho sinh viên. Năm ngoái, thông qua ngày hội này đã có 230 sinh viên kí hợp đồng sơ bộ với các công ty tuyển dụng. Năm nay, với 43 doanh nghiệp, dự kiến khoảng 500-600 sinh viên được tuyển dụng ngay tại ngày hội việc làm lần này” – ông Tuấn cho hay.

Nguồn: Lê Văn – vietnamnet.vn