Hội thảo Định hướng phát triển chương trình Thạc sỹ quốc tế Lâm nghiệp

Ngày 23/10, Đại học Lâm nghiệp Việt Nam tổ chức “Hội thảo Định hướng phát triển chương trình thạc sỹ Lâm nghiệp quốc tế” với sự tham gia của hơn 150 chuyên gia, học viên cao học và đại diện cán bộ nghiên cứu của các trường đại học có liên quan tới đào tạo lĩnh vực Lâm nghiệp trong và ngoài nước.

“Phát triển chiều sâu trong lâm nghiệp” là trọng tâm

GS.TS Trần Văn Chứ, Hiệu trưởng trường ĐH Lâm nghiệp tổng kết: “Dưới sự hỗ trợ và hợp tác của Cơ quan trao đổi Hàn lâm CHLB Đức (DAAD) và hai trường đại học của Đức (ĐH Gottingen và ĐH Kỹ thuật Dresden), chương trình đào tạo Thạc sỹ lâm nghiệp quốc tế đã được triển khai giảng dạy tại ĐH Lâm nghiệp từ năm 2016, cho khóa đầu tiên với 15 học viên đến từ 7 quốc gia châu Á.

Chương trình được giảng dạy bởi đội ngũ giảng viên là các Giáo sư, Tiến sĩ uy tín đến từ CHLB Đức, Lào và giảng viên của ĐH Lâm nghiệp. Học viên thường xuyên được tham dự các hội thảo quốc tế, sinh hoạt học thuật do các chuyên gia đến từ Mỹ, Úc, Nhật Bản, Đức, Canada, Hàn Quốc, Đài Loan… Nhìn chung chương trình đã đảm bảo đúng tiến trình, kiến thức, kĩ năng theo yêu cầu của thạc sỹ quốc tế chuẩn đã đề ra ban đầu”.

Phân tích rõ hơn về chương trình này, PGS.TS. Bùi Thế Đồi, Phó hiệu trưởng ĐH Lâm nghiệp cho biết: “Học viên cao học khoá đầu tiên chương trình đào tạo thạc sĩ Lâm nghiệp nhiệt đới quốc tế hầu như tới từ các nước nhiệt đới ở quanh tiểu vùng sông Mê Kông gồm: Bangladesh, Campuchia, Lào, Myanmar, Indonesia, Pakistan và Việt Nam. Nội dung giảng dạy là 100% bằng tiếng Anh chất lượng cao, với thời gian đào tạo 24 tháng”.

“Chúng tôi tập trung trang bị kiến ​​thức, kỹ năng về lâm nghiệp nhiệt đới, quản lý rừng bền vững, cân bằng diện tích rừng – đất rừng, bảo tồn đa dạng sinh học, khả năng ứng phó biến đổi khí hậu, phát triển kinh tế rừng, sử dụng công nghệ cao trong quản lí rừng. Với mục đích xây dựng giải pháp cho các vấn đề về suy thoái rừng và sử dụng tài nguyên rừng kém bền vững và trọng tâm nhất là phát triển rừng theo chiều sâu mang tính quốc tế cao. Ngoài ra, vấn đề xây dựng mạng lưới hợp tác trong đào tạo và nghiên cứu về lâm nghiệp nhiệt đới trong khu vực và trên thế giới cũng là yếu tố được Nhà trường phát triển trong thời gian tới” – ông Đồi nhấn mạnh.

Được biết, là khóa đầu tiên của chương trình này nên còn nhiều khía cạnh chưa thật hoàn chỉnh, bộ tiêu chí đánh giá chuẩn đối với học viên cao học khi tốt nghiệp vẫn chưa được thống nhất. Hầu như nhà trường vẫn phải dựa vào chương trình gốc của một số trường đại học CHLB Đức đào tạo về thạc sỹ quốc tế ngành Lâm nghiệp và kì vọng ĐH Lâm nghiệp sẽ sớm hoàn thiện tiêu chí trong thời gian tới.

Thay đổi lối tư duy “người đi tìm việc”

Nhìn nhận từ góc độ đánh giá và sử dụng nguồn nhân lực ngành Lâm nghiệp, GS.TS. Phạm Văn Điển, Phó Vụ trưởng Vụ hợp tác quốc tế, Bộ NN&PTNT đánh giá: “Trong bối cảnh biến đổi khí hậu như hiện nay, các nước trên thế giới đã thừa nhận lâm nghiệp là ngành phát triển trọng điểm không thể xem nhẹ. Đặc biệt ở vùng lưu vực sông Mê Kông thì giá trị của rừng nói riêng và lâm nghiệp nói chung càng to lớn. Cho nên, đây là một chương trình tiến bộ, bắt kịp được thực tiễn, không những thể hiện được ý chí và vị trí của ĐH Lâm nghiệp mà còn thỏa mãn, đáp ứng được yêu cầu của các học viên cao học quốc tế.

Đặc biệt về mặt kĩ năng, GS Điển đòi hỏi: “Các học viên phải thành thục các thao tác khảo sát, nghiên cứu, phân tích, đề xuất các biện pháp trồng, giữ và phát triển rừng phù hợp với thực tế, trên nhiều địa bàn khác nhau. Môi trường làm việc của các học viên không gói gọn trong 1 vùng, 1 quốc gia hay 1 khu vực cho nên, ngoại ngữ và kĩ năng giao tiếp là 2 yếu tố then chốt không thể thiếu của các thạc sỹ quốc tế tương lai trong môi trường hội nhập hiện nay.

Quan trọng nhất, các học viên cao học sau khi tốt nghiệp sẽ những lứa thạc sỹ làm thay đổi lối suy nghĩ “người đi tìm việc” thay vào đó là “việc sẽ phải đi tìm người”, tìm đúng những kĩ sư lâm nghiệp có trình độ quốc tế hóa, để thay đổi sự đầu tư, phát triển rừng hiệu quả, tầm nhìn lâu dài hơn – GS Điển kì vọng.

Ông Dominic Stanculescu – Giám đốc DAAD Hà Nội.

Ông Dominic Stanculescu – Giám đốc DAAD Hà Nội nhấn mạnh: “Vai trò và nhiệm vụ của các học viên khóa đầu tiên không chỉ là những nhà khoa học trong tương lai về Lâm nghiệp nhiệt đới mà còn có nhiệm vụ hỗ trợ trong hợp tác đào tạo, nghiên cứu khoa học của châu Á nói riêng và thế giới nói chung”. Ông tin tưởng các học viên trong thời gian học tập tại Trường Đại học Lâm nghiệp sẽ hoàn thành tốt chương trình học và đạt kết quả học tập cao nhất mặc dù gặp nhiều khó khăn về ngôn ngữ, văn hóa.

Bà Sunchan Bunkhani, Phó hiệu trưởng Đại học Quốc gia Lào nhận định: ” Theo báo cáo ban đầu của nhà trường và trao đổi trực tiếp với học viên Lào, tôi thấy, học viên cao học tiếp thu kiến thức rất nhanh dù có sự bất đồng và chưa đồng nhất trong trình độ sử dụng ngoại ngữ. Bên cạnh đó, các học viên cao học hầu như đều tới từ các nước đang phát triển nên vấn đề kinh phí học tập, nghiên cứu gặp nhiều khó khăn, phần nào gây trở ngại trong việc ứng dựng vào thực tiễn các lý thuyết, kiến thức tiên tiến được đào tạo. Do đó, ĐH Lâm nghiệp với vai trò là cở sở đào tạo chính đã nêu cao tinh thần hợp tác hữu nghị, hỗ trợ các học viên về chi phí học tập, ăn, ở một cách tối ưu nhất.”

“Trong thời gian tới, nhà trường nên phối hợp cùng với các trường trong khu vực tiếp tục xây dựng bài giảng hoàn chỉnh, phù hợp hơn nữa với nhu cầu của người học; đưa chương trình học tới ĐH Quốc gia Lào để có nhiều học viên được đào tạo hơn. Đặc biệt, trong các khóa học tiếp theo đối tượng học viên cao học nên được mở rộng hơn, tối đa 30 học viên/khóa học. Ưu tiên các sinh viên tới từ nhiều quốc gia lân cận và khu vực Đông Nam Á nói chung, nhằm mục đích tạo lập nên mạng lưới nghiên cứu, bảo tồn lâm nghiệp xuyên Quốc gia” – bà Sunchan mong muốn.

Hội thảo “Định hướng phát triển chương trình thạc sỹ Lâm nghiệp quốc tế” sẽ diễn ra trong 2 ngày 23 – 24/10 để các chuyên gia bàn luận rõ nét hơn nữa về vấn đề tầm nhìn, nội dung chương trình và kinh phí hỗ trợ trong thời gian tới, chuẩn bị cho một chăng đường đào tạo lâu dài, bền vững sắp tới.

Nguồn: Dantri.com.vn – Hà Cường